CẨM NANG > DU LỊCH TRONG NƯỚC
Bản in
ẨM THỰC ĐỘC ĐÁO AN GIANG CUỐN HÚT DU KHÁCH
Tin đăng ngày: 4/11/2016 - Xem: 2528
 

An Giang là một tỉnh giáp ranh vùng biên giới Campuchia. Vì thế, không chỉ có văn hóa đời sống đa dạng, pha lẫn giữa người Kinh, người Khmer, người Việt mà còn làm phong phú thêm nền văn hóa ẩm thực ở đây. Có thể nói, khi du khách đi du lịch đến miền đất này, ít nhiều cũng được nghe qua về các loại đặc sản, món ăn ngon nổi tiếng. Ánh Hồng Travel xin dành riêng sự “ưu ái”, “điểm” qua một số trongnhững món ăn ngon đặc sản ở An Giang để Quý khách nếu có đi Tour du lịch Châu Đốc hoặc đi du lịch hành hương về vía miếu bà chúa Xứ, sẽ có cơ hội tìm thưởng thức những món ngon độc đáo này ở miền đất An Giang.

1. Bò cạp Bảy Núi
Bò cạp hay còn gọi là "bù kẹp", có màu đen nhánh, hai càng to kềnh, to cỡ con dế cơm. Thoạt nhìn bò cạp trông giống như con gián bò lổn ngổn. Về vùng Bảy Núi có thể thấy loại này được bán dọc hai bên đường. Để có được những con bò cạp thế này, những người chuyên săn lùng con vật này phải lên núi mới có. Họ trang bị một cây cuốc, một cây kẹp và một cái xô. Tìm thấy tảng đá nào khả nghi, họ chỉ cần lật tảng đá sang một bên, nhìn miệng hang thò kẹp vào.


Bò cạp Bảy Núi, món ăn ngon “chống chỉ định” cho người sợ côn trùng

 

Sau khi “thu hoạch” xong, họ mang bò cạp về bỏ vào thau vài ngày cho "sạch bụng". Để nguyên con vậy và rửa sạch, cho vào chảo mỡ hoặc dầu đang sôi. Khoảng vài phút sau, bò cạp chín, bốc mùi thơm lạ lùng. Bò cạp dùng kèm rau thơm, cà chua, dưa leo và vài cọng ngò, chấm với muối tiêu chanh (hoặc nước tương). Cắn một miếng, giòn rụm và vị beo béo. Theo những người sành ăn món này, bụng của bò cạp mới là phần ngon nhất. Ngoài vị nhân nhẩn của cỏ cây, thức ăn còn đọng lại trong bao tử chúng, còn có vị béo bùi đặc trưng mà côn trùng khác không có.

Món bò cạp này còn được chế biến theo các kiểu khác như bò cạp lăn bột chiên bơ. Một số người Khmer địa phương còn dùng bò cạp ngâm với rượu, uống để chữa các chứng đau lưng, nhức mỏi, đau khớp v.v.. Thực tế thì món bò cạp này thường chỉ dành cho những người sành ăn, dùng làm mồi nhậu cho các đấng mày râu. Và món ăn này “chống chỉ định” cho những cô nàng sợ côn trùng. Vì thế, hãy suy nghĩ kỹ trước khi tìm món này ở vùng Bảy Núi mà thưởng thức nhé.

2. Bò leo núi
Ở vùng Tân Châu (An Giang) có món ăn ngon trứ danh là “bò leo núi”. Nhiều người cứ nghĩ bò leo núi chắc là thấy từ thịt bò nuôi ở trên núi nên có thịt săn chắc, tươi ngon. Thực ra, bò leo núi cũng được chế biến từ bò tơ, nhưng vì cách chế biến, tẩm ướp rất đặc biệt ở đây nên mới gọi là “bò leo núi”. Nhờ vào bàn tay khéo léo của các đầu bếp, món bò leo núi được chế biến theo một cách rất khác lạ, khác nhiều so với các món bò nướng trong ẩm thực người Việt vùng đồng bằng sông Cửu Long.


Bò leo núi, món ngon đặc sản của An Giang với tên gọi khá ngộ nghĩnh

 

Thịt được cắt dày hơn so với các món bò nướng như thường thấy. Đầu tiên thịt được ướp bằng trứng gà tươi được khuấy đều, chuẩn bị vỉ nướng bằng gang. Giữa vỉ mô lên tròn trĩnh tượng hình quả núi nên tên gọi món ăn xuất phát từ điểm này. Cho một miếng mỡ heo thật to lên trên vỉ được bắc trên bếp than hồng, khỏa đều. Mỡ heo tan ra, sau đó để từng miếng thịt bò lên và phết 1 ít bơ vàng óng lên trên đó. Trứng và bơ hòa quyện thấm vào thịt thơm lừng, ngọt lịm. Trở đều để miếng bò không quá khô vừa còn giữ lại độ mềm, ngọt của gia vị. Miếng thịt dù để trên bếp bao lâu vẫn không bị dai, cứng mà luôn mềm mại, rất vừa miệng ăn. Thịt nướng xong được gói với bánh tráng, rau sống, chuối chát... chấm với chao hoặc mắm bò hốc. Món này ăn ngon, có thể nhấm thêm chút bia để tăng độ ngon của bữa ăn. Nếu có đi du lịch Châu Đốc, ghé vùng biên giới Tân Châu, Quý vị hãy nhớ đừng bỏ qua dịp để thưởng thức món ngon đặc đặc sản này nhé.

3. Bún cá Long Xuyên
Đây là món ngon đặc sản ở vùng Long Xuyên, An Giang. Món ngon này được người dân An Giang mời mọc rất chân tình “mời mấy anh mấy chị ăn thử món này, êm lắm đó…”. Nếu ở những vùng miền khác, người ta dùng các mỹ từ như ngon, tuyệt cú mèo, tuyệt đỉnh… thì ở vùng Long Xuyên, An Giang, để chỉ món ăn ngon họ chỉ dùng đơn giản một từ “êm”.

Điều nổi bật của món bún cá này đó là màu vàng của nghệ. Nghệ vàng ươm nhuộm cho màu trắng của cá thêm đậm đà, làm cho màu nước lèo thêm sóng sánh, hấp dẫn. Tô bún cá An Giang thường lấy cá lóc đồng làm “điểm nhấn”, rau nhút bẻ cong hay những cọng rau muốn bào xanh ươm và thêm 1 ít chuối thái sợi. Cá lóc được chọn lựa cá tươi ngon, luộc sơ, tróc da, gỡ xương rồi đem đi xào với nghệ. Cách nêm nếp gia vị của người miền Nam cũng rất khác biệt so với món bún cá miền Trung như bún cá lóc Quảng Trị v.v.. Khi thưởng thức tô bún cá Long Xuyên, mùi tanh của cá sẽ được “khử” bằng mùi nghệ thêm phức. Món này cũng được xem là món dễ ăn nên người miền Tây, Châu Đốc có thể ăn bất kỳ lúc nào sáng – trưa – chiều – tối.


Bún cá Long Xuyên, món ngon trứ danh của vùng đất An Giang

 

Điểm đặc biệt của món bún cá Long Xuyên Châu Đốc là nước chấm không phải là muối ớt chanh mà là nêm trong tô bún một ít muối. Ngoài ra, có một số nơi còn “biến tấu” món bún cá nấu nước dừa, người ta hay gọi là bún kèn. Món bún này cách chế biến cũng tương tự như bín cá nhưng thay vì nước lèo được nấy bằng xương thì người ta sử dụng nước dừa và bột cà ri để nấu. Thêm vào đó 1 ít củ cải trắng và huyết heo cắt miếng. Ở Long Xuyên bây giờ, Quý khách thỉnh thoảng có thể tìm được món bún cá “đúng chất Long Xuyên”, còn nếu không thì cũng là bún cá nhưng đã “lai vị” để phù hợp hơn với khẩu vị của du khách thập phương.

4. Cháo bò Tri Tôn
Ai về Tri Tôn mà chưa thưởng thức qua món cháo bò lừng danh ở đây thì thật là uổng phí. Vùng đất Tri Tôn hoặc Tịnh Biên – An Giang, nơi nổi tiếng với món cháo bò được chế biến với nguyên liệu là lá trúc. Vì thế du lịch miền Tây, nếu về Châu Đốc, nhớ ghé Tri Tôn thưởng thức tô cháo bò bên cạnh các loại cháo khác như cháo cá, cháo lươn, cháo rắn hay cháo cua, cháo hàu...

Mùi vị quyến rũ của lòng bò và hương thơm đặc trưng của trái trúc đã tạo nên hương vị rất lạ, rất riêng của món cháo bò. Muốn có một tô cháo bò thật ngon trước hết phải chọn cho được thịt bò địa phương (loại bò được nuôi tại vùng Bảy Núi). Bộ lòng phải làm thật kỹ và thật sạch. Tuy mỗi người có cách chế biến khác nhau, nhưng tô cháo bò nào cũng là tổng hợp của gạo, thịt, gân, đồ lòng và gia vị đi kèm là hành, ngò, gừng xắt nhỏ và các loại rau thơm như mò om, ngò gai. Nồi cháo muốn ngon phải luôn bắc trên bếp than hồng và bộ lòng sau khi luộc chín nên để riêng ra, không để chung như nhiều món cháo khác.


Cháo bò Tri Tôn, món ngon An Giang nhờ trái trúc làm nên thương hiệu

 

Với một tô cháo bò hoàn chỉnh, Quý khách sẽ nếm được vị ngọt đậm đà, thơm ngon của lòng bò. Có thể chấm vào chén nước mắm gừng cho vào miệng nghe dai dai, giòn giòn rất hấp dẫn. Bên cạnh đó tô cháo bò còn có miếng gan bùi bùi, khoanh phèo nhân nhẫn và lát huyết vừa mềm vừa ngọt đậm. Có thể ăn kèm với giá sống và rau thơm, đặc biệt là trái trúc, một loại trái chỉ có ở vùng núi Tịnh Biên và Tri Tôn.

Giống như món gà hấp lá trúc, món cháo bò Tri Tôn thơm ngon, hương vị riêng “không chê vào đâu được” là nhờ có thêm mùi vị của trái trúc. Dư vị chua thanh của trái trúc sẽ thấm vào từng miếng thịt và lan tỏa ra cả tô cháo khiến cho người thưởng thức cảm thấy ngất ngây. Nếu thích ăn chua hơn nữa, có thể vắt thêm miếng chanh và cho thêm tí ớt hoặc gừng. Cháo bò ngon ngất ngây, là món ăn vừa ngon vừa bổ dưỡng mà ai đã từng ăn qua 1 lần sẽ rất khó quên.

5. Cơm nị - cà púa của dân tộc Chăm Châu Giang
Về An Giang, nếu may mắn, Quý khách sẽ được 1 lần thưởng thức món cơm nị - cà púa của người Chăm ở Châu Giang, cộng đồng người Chăm sống bên dòng sông Hậu. Cơm nị - cà púa là món ăn độc đáo, thể hiện văn hóa ẩm thực đa dạng của người Chăm Châu Giang nói riêng, vùng An Giang nói chung. Cơm nị kết hợp với cà púa tạo nên hương vị truyền thống của ẩm thực Châu Giang.


Công đoạn nấu cơm nị của người Chăm rất công phu

 

Để nấu cơm nị, người Chăm đã chọn loại gạo ngon, đem vò sạch và cho vào đó một chút muối rồi xả sạch. Gạo được đổ ra rổ lớn, để ráo nước. Xào bơ cùng nụ đinh hương, quế cho dậy mùi thơm rồi đổ gạo đã ráo nước vào xào chung cho săn thấm. Gạo sau khi xào xong trộn cùng bột hạt điều đã rang sẵn. Đổ gạo vào hỗn hợp nước bao gồm muối, đường, bột ngọt, cà ri đã quấy đều, đem nấu. Lúc cơm gần chín, người ta rưới một ít nước cốt dừa hoặc sữa vào nồi rồi nấu tới khi chín hẳn. Nước dừa và sữa không được cho vào từ đầu vì làm như vậy cơm dưới đáy nồi dễ bị cháy khét, không ngon. Để tăng khẩu vị, người nấu còn cho thêm nho khô trộn cùng cơm.

Cà púa là tên gọi một loại món ăn được người Chăm chế biến từ thịt bò chứ không phải là một loại quả như cà pháo hay cà chua. Để làm món cà púa ngon, người ta cho gừng và rượu vào thịt bò để khử mùi. Sau đó chọn quả dừa bánh tẻ đem nạo sợi nhỏ, một nửa để thắng nước cốt dừa, một nửa để rang vàng. Bắc chảo nóng, cho thịt bò đã khử mùi vào xào cùng dừa khô, cà ri, gia vị, ớt muối sao cho vừa ăn. Khi thịt bò thấm đều, rưới nước cốt dừa rồi hầm cho thịt thật mềm rồi trộn đều thịt bò cùng dừa nạo, hành củ. Cuối cùng là chuẩn bị một ít đậu phộng rang rắc lên trên.


Cơm nị cà púa là món cơm

 

Khi ăn món cơm nị - cà púa, Quý vị sẽ cảm nhận được vị ngọt béo của sữa, bùi bùi của đậu phộng, vị ngọt của thịt bò, nho khô, cay nồng của ớt… Tất cả sẽ tạo nên cảm giác ngon và lạ miệng. Sự kết hợp của cơm nị và cà púa đã tạo nên hương vị độc đáo của ẩm thực người Chăm ở An Giang. Nếu có cơ hội, hãy tìm món ngon này để thưởng thức và khám phá thêm nét đặc sắc trong ẩm thực của cộng đồng người Chăm.

6. Gà hấp lá trúc
Đây “đích thực” là món ăn ngon đặc sản của vùng Bảy Núi, An Giang. Với món ăn này, nay cả những người sành ăn “cơm Tây, cơm Ta, cơm Tàu” vẫn nhận xét đây là một trong những món ngon số 1 của vùng Bảy Núi. Điểm đặc biệt của món gà hấp lá trúc đó là nguyên liệu lá trúc. Lá trúc này khác với tre, trúc mà nhiều vùng nông thôn Việt Nam thường có. Trúc là một loài cây mọc hoang hoặc được trồng ở vùng Bảy Núi, An Giang, nhiều nhất ở Tri Tôn. Cây trúc to như cây chanh, lá có tinh dầu, vị the và thơm đặc biệt. Trái trúc cũng giống như trái chanh nhưng vỏ xù xì dùng lấy nước làm gia vị trong các bữa ăn. Cây trúc rừng rất quý hiếm và chỉ còn một số ít trên các phum sóc của người dân tộc mới có.


Gà hấp lá trúc, món ngon đặc sản vùng Bảy Núi

 

Để chế biến món gà hấp lá trúc, gà thì có nhiều nhưng muốn có lá trúc người ta phải băng rừng leo núi vất vả lắm mới hái được những chiếc lá xanh nguyên vẹn. Chính vì mùi thơm độc đáo của lá trúc đã làm nên món đặc sản hiếm có ở vùng đất An Giang này. Lá trúc có vị the the, mùi nồng và lạ. Lá trúc được xem là “rau rừng” và con người đã sử dụng nguồn rau rừng này để chế biến nên những món ăn ngon. Muốn làm món này, người ta phải chọn được gà tơ, loại gà vườn, làm sạch, để nguyên con, ướp gia vị  tiêu, tỏi, hành, bột nêm, bún, nấm, nước mắm hòn rồi đem hấp cách thủy cho đến khi da gà chuyển sang màu vàng tươm mỡ mới đạt yêu cầu. Để mùi lá trúc thấm vào thịt gà, trước khi hấp phải lót một lớp lá trúc dưới thân gà.

Gà khi ăn được chặt hoặc xé nhỏ, lá trúc xắt nhuyễn, rải đều lên thịt gà. Dưới đáy đĩa độn rau ghém bắp chuối, trang trí thêm vài chiếc lá trúc, cà chua, dưa leo, ớt... Gắp một miếng thịt gà còn vướng vài sợi lá trúc chấm vào chén muối ớt pha nước trái trúc chua chua, cay cay rồi nhai chầm chậm mới thưởng thức hết cái vị thơm ngon của món ăn vừa dân dã vừa sang trọng này. Nhiều thực khách, du khách đến vùng Bảy Núi nhất định tìm ra cho được nhà hành hoặc quán ăn nào có phục vụ món này để thưởng thức. Thế mới thấy món đặc sản này của An Giang không phải là dễ tìm kiếm.

7. Gỏi sầu đâu khô sặt
Sầu đâu (xoan ăn gỏi) là loại cây hoang dã, mọc nhiều ở An Giang, Kiên Giang… Thân cây cao và thẳng, không kén đất, dễ trồng. Lá sầu đâu có màu xanh, vị đắng, hậu ngọt, tính mát; hoa thì ít đắng hơn và thơm. Có 2 loại sầu đâu, 1 là loại sầu đâu ăn được, còn gọi là xoan ăn gỏi, loại này hay mọc ở miền Tây. 2 là loại sầu đâu mà người miền Trung gọi là sầu đông thì lá độc, không ăn được. Ở miền Tây, vào khoảng tháng 11 đến tháng 3 âm lịch hằng năm, cây sầu đâu bắt đầu thay lá, ra hoa. Mùa này, người dân hái lá sầu đâu (đọt non lẫn nụ hoa) để ăn và bán. Đây được xem là một trong những đặc sản của vùng Bảy Núi - An Giang.


Gỏi sầu đâu khô sặt, món ngon đậm đà hương vị ẩm thực miền Tây

 

Để làm gỏi sầu đâu, trước hết người ta chọn những lá, đọt sầu đâu non, rửa sạch và kỹ. Sau đó để ráo và cho vào nồi nước sôi trụng cho bớt vị đắng (có thể dùng nước cơm sôi cũng được). Chuẩn bị thịt ba rọi luộc, xắt mỏng; tôm sú luộc, bỏ vỏ; khô sặt rằn nướng, xé nhỏ; dưa leo và xoài xanh, bằm sợi. Tất cả đem trộn đều với nước mắm ớt chua ngọt. Phía trên cho thêm 1 ít rau thơm, ngò rí, đậu phộng giã giập, và vài lát ớt. Như thế là đã ra 1 dĩa gỏi sầu đâu khô sặt hấp dẫn. Có thể ăn kèm với chén nước mắm me. Gắp một miếng gỏi lá sầu đâu chấm vào nước mắm me, nhai chầm chậm. Vị béo của thịt, vị ngọt của tôm, vị chua của me chín hòa lẫn vị đắng hậu ngọt của lá sầu cộng với vị cay của ớt, ăn tới đâu thấm tới đó. Một món ngon có cả vị cay + đắng nhưng sẽ làm cho thực khách khó quên trong đời.

8. Lẩu mắm Châu Đốc
Nói đến ẩm thực Châu Đốc chắc chắn người ta nhắc đến mắm Châu Đốc. Từ đặc sản mắm ngon, người dân Châu Đốc đã làm ra nhiều lẩu mắm ngon nổi tiếng. Vì thế, không lạ gì khi đi tour du lịch miền Tây 1 ngày lại được thưởng thức món lẩu mắm Châu Đốc ngon tuyệt. Lẩu mắm Châu Đốc là một món ngon đặc sản vùng Châu Đốc mà có sự kết hợp hài hòa của mắm cùng các nguyên liệu khác để thành món lẩu thơm ngon nức mũi. Để nấu nước lẩu người ta hay dùng mắm cá sặc hoặc cá chốt, ninh chín rồi lọc thật sạch xác mắm để nước được trong. Sau đó cho vào một ít xả băm, ớt, nước dừa tươi và thịt ba rọi cùng phi lê cá basa. Khi nước vừa sôi, cá vừa chín tới, người ta cho thêm cà tím đã cắt khúc chẻ tư. Khi miếng cà vừa chín tới là nước lẩu xem như hoàn tất. Nêm nếp gia vị cho vừa miệng ăn. Như nhiều loại lẩu khác, lẩu mắm Châu Đốc thường ăn kèm với bún tươi và các loại rau như bông súng, điên điển, so đũa, cù nèo….


Lẩu mắm Châu Đốc, món ngon khó cưỡng lại

 

Đứng trước mùi thơm của nồi lẩu mắm Châu Đốc, chắc chắn không có thực khách nào cưỡng nổi nếu không có 1 lý do nào đó thật đặc biệt. Lẩu mắm Châu Đốc luôn mang lại cho thực khách cảm giác ngon đậm đà, thơm ngây ngất và ăn ngon đến mê ly. Ngày nay, lẩu mắm Châu Đốc được bán ở nhiều nơi, đặc biệt là ở những thành phố lớn như Sài Gòn, chứ không riêng gì ở miền Tây sông nước. Tuy nhiên, để thưởng thức 1 nồi lẩu mắm Châu Đốc thơm ngon đúng điệu của nó, phải về vùng Bảy Núi Châu Đốc mới có thể tìm được. Chắc chắn Quý khách sẽ thấy mùi vị ở đây nó sẽ khác nhiều so với mùi vị lẩu mắm Châu Đốc ở những vùng miền khác.

9. Mắm thái Châu Đốc
Mắm thái Châu Đốc là một món ăn truyền thống, ngon trứ danh của vùng đất biên giới Campuchia, Việt Nam. Đi du lịch Châu Đốc, thế nào du khách cũng có dịp cùng Đoàn đi dạo chợ Châu Đốc và mua món đặc sản mắm thái Châu Đốc về làm quà hoặc dùng để ăn. Có thể nói mắm thái Châu Đốclà một trong các loại mắm ở đây mà độ ngon của nó đến mức không thể chê vào đâu được. Thương hiệu mắm Châu Đốc vang danh lừng lẫy từ xưa đến nay cho dù ở nhiều tỉnh thành khác ở Việt Nam cũng có nhiều loại mắm ngon nổi tiếng.

Có thực khách tò mò xem món mắm thái Châu Đốc được làm như thế nào mà thơm ngon đến vậy. Một số người chia sẻ rằng: cá làm mắm thái, thường là cá lóc hoặc cá bông tuyển chọn con lớn, mập, rồi đập đầu cánh vảy, cạo vi, kỳ rồi rửa sạch đem ngâm với muối trong khạp độ 15 ngày, rồi dùng gạo lứt rang cho thật vàng, xay nhuyễn làm thính. Thắng đường thốt nốt cho có chỉ, chao vô mắm. Độ mươi, mười lăm ngày cho thấm, mắm vừa ăn, vớt cá đem ra chặt đầu, lóc xương, lột da, lấy thịt cá thái nhỏ cỡ chiếc đũa, rồi ướp đường, bột ngọt, nước mắm biển xăm xắp, trộn đu đủ mỏ vịt xắt nhuyễn từng sợi, vắt bỏ mũ phơi một ngày cho đu đủ dẻo, xong cho mắm vào khạp, rải thính đều hết, ém vô, đậy thật khít khao, đừng cho hơi gió lọt vô. Mắm thái nhận vô khạp, vô hũ độ một tuần lễ là ăn được, đừng để lâu mắm sẽ bị chua hoặc bị “trở gió”.


Mắm thái Châu Đốc, đặc sản nổi tiếng ở An Giang

 

“Công thức” chung là vậy, còn độ ngon như thế nào thì còn phụ thuộc vào các công đoạn này được làm ra sao và người làm cũng phải có “cái duyên” khéo tay mới làm nên những khạp mắm thái ngon trứ danh tứ xứ. Thế mới thấy, món ăn này, ngoài kỹ thuật còn cần có cả “nghệ thuật” làm mắm nữa mới đúng chất là mắm thái Châu Đốc ngon. Và, không lạ gì món mắm thái Châu Đốc ngày nay không chỉ xuất hiện thị trường trong nước mà nay đã có mặt ở thị trường, các siêu thị ở Châu Âu.

10. Tung lò mò
Lạp xưởng bò hay còn gọi là tung-lò-mò, là một trong những món ngon độc đáo của người Chăm vùng An Giang. Món ăn này từ lâu cũng được người Kinh ưa thích và chế biến thành món lạp xưởng bò giống như của người Chăm và hiện phổ biến rộng rãi ở phường Núi Sam, Châu Đốc, Tịnh Biên và Tri Tôn. Theo một số người dày dạn kinh nghiệm, muốn cho lạp xưởng thơm, ngon và có mùi hấp dẫn cần phải ướp tiêu, hành, tỏi, đường, bột ngọt, ngũ vị hương, đặc biệt là đại hồi và tiểu hồi. Và để có được những viên lạp xưởng tròn, đều đặn, phải dùng ruột heo làm sạch, phơi khô trước khi dồn thịt vào. Sau đó, người ta dùng dây buộc thắt gút lại thành lọn hình tròn. Khi nướng xong, tung lò mò được cắt ra thành viên có màu đỏ hồng, bốc khói thơm phức.


Món “tung lò mò” là tên gọi khác của món lạp xưởng bò

 

Kỹ thuật làm tung lò mò khác với cách làm lạp xưởng heo đó là lạp xưởng bò sau khi làm xong chỉ cần phơi cho ráo là có thể đem chiên hoặc nướng. Khi nướng thì những khoanh tung lò mò thơm phức, không còn mùi mỡ bò. Tung lò mò muốn ngon thì phải ăn lúc còn nóng và chấm muối tiêu hoặc tương ớt. “Tung lò mò” nướng nên chín tới đâu, ăn tới đó thực khách sẽ thấy vị ngọt bùi của thịt và mỡ bò, vị chua chua của cơm nguội lên men hòa cùng gia vị cay của ớt. Tung lò mò được ăn kèm với rau sống, rau cần tươi, khế, chuối sống hoặc hấp dẫn hơn là có thêm ngò tây, cà chua và được ăn chung với bún hoặc bánh mì. Món tung lò mò này thường xuất hiện vào các ngày lễ hoặc tết cổ truyền của dân tộc.
                                                                                                                                                                                                   Dẫn nguồn dulichmientay.org

Du lịch trong nước khác:
Evason Ana Mandara Villas Đà Lạt (18/1/2012)
Sofitel Dalat Palace (18/1/2012)
Khách sạn tại Viêng chăn: DouangPraseuth (18/1/2012)
12 cách chống say xe (18/1/2012)
Khách sạn Thiên Ngân (18/1/2012)
Danh sách nhà hàng tại Tp Hồ Chí Minh (18/1/2012)
Nhà hàng tại Trà Vinh (18/1/2012)
Nhà hàng tại Tiền Giang (18/1/2012)
Nhà hàng tại Thanh Hóa (18/1/2012)
Khách sạn SEDONA SUITES Hà Nội (18/1/2012)
Khách sạn Hà Nội Horison (18/1/2012)
Khách sạn Sheraton Hà Nội (18/1/2012)
Khách sạn Sofitel Plaza Hà Nội (18/1/2012)
Khách sạn Sofitel Metropole Hà Nội (18/1/2012)
Melia Hotel, Hà Nội (18/1/2012)
 
Video Du lịch
Video
 
Tour Du lịch mới nhất
 
Liên kết Website
Hỗ trợ trực tuyến
Hôm nay: 35
Tất cả: 1,009,857
 
 

CÔNG TY CỔ PHẦN LỮ HÀNH QUỐC TẾ ÁNH HỒNG

Văn Phòng Hà Nội: 63A Nguyễn Hoàng , Nam Từ Liêm, Hà Nội
Điện thoại: 0238.868.5599 - 0918.652.114  - MST: 2901752993
TK:11000138772  Vietinbank Chi nhánh Nghệ An
Website: http://vietravel.vn, Email: anhhongtravel.vn@gmail.com
Facebook: lữ hành ánh hồng
Văn phòng Nghệ An: Số 64 Đường NAMYANGJU DASAN- Thành Phố Vinh - Nghệ An
Điện thoại: 0238.868.5599 - 0964149118- 0918.652.114  - MST: 2901752993
TK:11000138772  Vietinbank Chi nhánh Nghệ An
Website: http://vietravel.vn, Email: anhhongtravel.vn@gmail.com
Facebook: lữ hành ánh hồng
Chat hỗ trợ
Chat ngay

0918652114